Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 15 của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Phiên họp thứ 15 của UBTVQH dự kiến diễn ra trong khoảng 04 ngày, tập trung vào hai nhóm vấn đề chính. Một là các nội dung UBTVQH xem xét, chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Hai là các vấn đề UBTVQH xem xét quyết định theo thẩm quyền.
Quang cảnh Phiên họp thứ 15 của UBTVQH. |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Phiên họp thứ 15, UBTVQH sẽ cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022. Bên cạnh việc là thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn bao trùm từ Trung ương cho đến địa phương, liên quan đến cả khu vực công và khu vực tư, liên quan đến trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, các đại biểu tập trung cho ý kiến toàn diện về các báo cáo và các dự thảo nghị quyết bảo đảm trọng tâm, bám sát mục tiêu giám sát đề ra, góp phần tạo căn cứ cho bước chuyển biến căn bản đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ trọng tâm của phiên họp lần này là công tác giám sát của Quốc hội và UBTVQH và chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4. Ngoài ra, sau phiên họp này, UBTVQH sẽ tiến hành phiên họp chuyên đề pháp luật sau phiên họp thường kỳ này để chuẩn bị kỹ lưỡng cho các dự án luật và dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp.
Tại phiên họp ngày 12/9/2022, Chủ tịch Quốc hội cho biết, UBTVQH sẽ tiến hành giám sát chuyên đề và quyết định ban hành Nghị quyết về công tác giám sát đối với hai chuyên đề là “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021″ và “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021″. Ngoài ra, nội dung thường kỳ của UBTVQH là xem xét báo cáo công tác dân nguyện trong tháng 8/2022.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội về chương trình phiên họp (từ ngày 12 đến 15/9), UBTVQH tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”.
Đại diện Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong giai đoạn 2019-2021 đã trình 48 nghị quyết về việc sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện và 1.056 ĐVHC cấp xã tại 45 tỉnh, thành, qua đó cả nước đã giảm được 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã.
Trên cơ sở đó, cả nước đã giảm 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp. |
Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người. Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của 1.056 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.
Theo đoàn giám sát, kết quả sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra mà hơn thế nữa, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phương để phát triển bền vững.
Thảo luận tại phiên họp sáng 12/9/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý việc đánh giá kết quả sắp xếp ĐVHC phải rõ ràng, trong đó phải làm rõ mục tiêu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế như thế nào. Đặc biệt, qua việc sắp xếp ĐVHC tiết kiệm được bao nhiêu kinh phí? “Sắp xếp không phải chỉ để sắp xếp mà mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị làm rõ các chỉ tiêu đo lường, cuối cùng thì việc phục vụ nhân dân ra sao, được người dân đánh giá thế nào, nhất là ở các tỉnh biên giới, miền núi. Cùng với đó thì những bài học nào được rút ra để thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2022-2030.
Phát biểu tại phiên họp về tình hình các xã, thị trấn bố trí Công an xã, thị trấn chính quy, hiện còn số Công an xã bán chuyên trách dôi dư, chờ bố trí nhiệm vụ mới, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các chức danh này được bổ nhiệm, bố trí theo quy định của Pháp lệnh Công an xã, khi kết thúc nhiệm vụ được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp lệnh cho đến khi có văn bản quy định khác.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu thảo luận tại Phiên họp. |
Về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp mới, báo cáo chỉ đề cập việc thực hiện thủ tục hành chính ở địa phương, chưa đề cập việc thực hiện thủ tục hành chính đối với các bộ ngành dọc như Bộ Công an. “Bộ Công an hiện nay ở Công an cấp xã có 28 thủ tục, trong đó 6 thủ tục mức độ 3 và 17 thu tục ở mức độ 4, nhiều Công an xã thực hiện thủ tục một cửa, vì vậy nên chăng bổ sung nội dung này cho đầy đủ hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị.
Bộ Công an cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chế độ, chính sách cho Công an xã bán chuyên trách khi bố trí Công an xã, thị trấn chính quy, theo hướng xác định Phó trưởng Công an xã và Công an viên nghỉ việc do sắp xếp, bố trí Công an chính quy thuộc trường hợp nghỉ việc vì lý do chính đáng. Họ được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (kể cả trường hợp công tác trên hoặc dưới 15 năm)…
Về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH, tại điểm a, khoản 1, Điều 2 (trang 3) về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung hỗ trợ, bố trí sắp xếp, tạo việc làm cho những Công an xã, thị trấn bán chuyên trách dôi dư hiện đang chờ.
Tại điểm b, khoản 2, Điều 2 (trang 5), đồng chí Thứ trưởng đề nghị bổ sung thêm đối tượng Công an xã, thị trấn bán chuyên trách, và chỉnh lý: “Nghiên cứu ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật khác có liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC để có chính sách ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ phù hợp, cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách, Công an xã, thị trấn bán chuyên trách dôi dư để ổn định tình hình, bảo đảm đời sống xã hội cho nhân dân”…
Bài viết được đăng tải từ nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an