Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 57/2023/TT-BCA quy định tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ; Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND có thẩm quyền tiếp nhận, phân loại, xử lý các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Giao diện trang web tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (https://dichvucong.gov.vn/p/phananhkiennghi/pakn-gui-pakn.html)
Thông tư này không điều chỉnh phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an nhưng được xác định có nội dung bí mật nhà nước; các đơn, thư có nội dung khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; các đơn, thư có nội dung tố giác, tin báo tội phạm.
Về nguyên tắc, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an phải tuân thủ những nội dung sau: Đúng quy định của pháp luật về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị phải cụ thể, rõ ràng, đơn giản, thuận tiện; bảo đảm đúng thẩm quyền, công khai, minh bạch, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật về xử lý phản ánh, kiến nghị.
Nội dung phản ánh đối với các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an bao gồm:
– Vướng mắc, khó khăn cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an.
– Sự không phù hợp của quy định hành chính với thực tế; sự không đồng bộ; không thống nhất của các quy định hành chính; quy định hành chính không hợp pháp.
– Quy định hành chính trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; những vấn đề khác liên quan đến quy định hành chính.
Nội dung kiến nghị về các quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an bao gồm:
– Cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp phương án xử lý đối với các quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
– Sáng kiến ban hành mới quy định hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đời sống nhân dân thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định, các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được thực hiện bằng một trong các hình thức sau: Văn bản; Điện thoại; Phiếu lấy ý kiến; Thông điệp dữ liệu gửi qua Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cổng/Trang Thông tin điện tử Công an các đơn vị, địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này.
Ngoài ra, theo Thông tư, cá nhân, tổ chức có những phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, đem lại hiệu quả thiết thực, giúp Bộ Công an sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những quy định hành chính không phù hợp với các tiêu chí quy định thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng…
Thông tư số 57/2023/TT-BCA gồm 3 chương, 26 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2023.
Xem chi tiết tại đây.