Trang chủ / Thời sự - Chính trị / Thời sự trong tỉnh / CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC LUẬT AN NINH MẠNG

CẢNH GIÁC VỚI THỦ ĐOẠN XUYÊN TẠC LUẬT AN NINH MẠNG

Ngày 01/01/2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng. Việc phải có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hành vi trên không gian mạng là tất yếu bởi lẽ:

– Về mặt lý luận, An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Từ đó có thể thấy, an ninh mạng là một bộ phận của an ninh quốc gia, góp phần quan trọng trong đảm bảo lợi ích quốc gia trong thời đại công nghệ số.

– Về mặt thực tiễn, không gian mạng như một “xã hội” thứ hai tồn tại song song với xã hội mà chúng ta đang sống, điều đặc biệt ở chỗ: “xã hội” này không có khoảng cách về không gian, thời gian nhưng sự hiện diện của các quy định, chế tài phục vụ giám sát, quản lý, xử lý tại đây còn rất mờ nhạt. Thời gian vừa qua cũng cho thấy, có rất nhiều đối tượng lợi dụng không gian mạng vào các hoạt động tuyên truyền, kích động tụ tập, gây rối an ninh trật tự nhằm mục đích chống chính quyền nhân dân.

Từ những lý do trên, ngày 12/6/2018 Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật An ninh mạng với 86,86% phiếu tán thành, Luật điều chỉnh các hành vi trên không gian mạng, trong đó đã đưa ra 06 nhóm hành vi bị nghiêm cấm. Thế nhưng, ngay sau khi Quốc hội thông qua Dự thảo Luật An ninh mạng, rất nhiều đối tượng chống đối trong và ngoài nước đã tuyên truyền, kích động người dân phản đối dự Luật này, cho rằng Luật An ninh mạng là vi Hiến, “xâm phạm quyền riêng tư”, “xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân”, cho rằng nội dung Luật An ninh mạng là mơ hồ, không có quốc gia nào trên thế giới có luật này.

Nhìn chung, các luận điệu xuyên tạc trên “đánh” vào tâm lý mong muốn “bảo vệ quyền riêng tư” của người dùng trên không gian mạng, từ đó đưa ra những nhận thức sai lệch về Luật An ninh mạng, mặc nhiên bỏ qua những lợi ích từ việc ban hành Luật An ninh mạng. Cần phải hiểu rằng, Luật An ninh mạng không phải là “công cụ” để Nhà nước tăng cường quyền kiểm soát đối với người dân, bóp nghẹt tự do thông tin, tự do ngôn luận. Trái lại, Luật An ninh mạng góp phần đảm bảo một môi trường không gian mạng lành mạnh, cụ thể hơn, Luật An ninh mạng “đánh” vào những phần tử làm mất an ninh, an toàn môi trường mạng. Vậy nên, chẳng phải ngẫu nhiên sau khi Quốc hội thông qua Dự thảo Luật an ninh mạng, các đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước tích cực xuyên tạc, kích động “phong trào” phản đối với những lập luận hết sức “vì nước”, “vì dân”, thế nhưng mục tiêu thực sự của các đối tượng chính là ngăn cản việc xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh trên không gian mạng, “rào cản” thực sự đối với các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Gần một tháng kể từ ngày Luật An ninh mạng có hiệu lực, bên cạnh những bài viết xuyên tạc, kích động của các đối tượng chống đối trong và ngoài nước, trên mạng xã hội đã xuất hiện một số bình luận với câu từ dạng như “Comment này đã bị ẩn vì luật An ninh mạng, chủ tài khoản này sẽ bị xử lý theo pháp luật”. Điều đáng nói ở chỗ, những bình luận trên được viết ra dưới một font chữ nghiêng/đậm/nhạt khá khác biệt so với mặc định của website.

A

Bên cạnh đó là những bình luận mang tính chất trêu đùa về những hành vi bị điều chỉnh bởi Luật An ninh mạng. Sự xuất hiện của hai nội dung trên đã được một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội hưởng ứng. Trò đùa tưởng chừng như vô hại này lại gây ra hậu quả vô cùng lớn, nó gây ra sự hiểu nhầm đối với mọi người đặc biệt là giới trẻ về những hành vi vi phạm Luật An ninh mạng, cho rằng Luật An ninh mạng là “công cụ” để Chính phủ theo dõi, thu thập thông tin người dùng, sử dụng cái cớ “an ninh mạng” điều chỉnh những hành vi dù là nhỏ nhất trên mạng xã hội, thắt chặt quyền tự do ngôn luận.

Thực tế rằng, chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, các hành vi được điều chỉnh bởi pháp luật và đạo đức con người. Vậy nên, Luật An ninh mạng chỉ là sự cụ thể hóa những quy định ở đời sống thường ngày, áp dụng vào môi trường không gian mạng. Không có lý do gì để những hành vi trong “không gian thực” bị xử lý bởi pháp luật hiện hành (ví dụ: vu khống, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác hay tuyên truyền, kích động biểu tình trái pháp luật) lại có thể được thực hiện một cách công khai, hợp pháp trên “không gian ảo”. Là một công dân đã và đang tuân thủ luật pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm rằng: Luật An ninh mạng chính là “tấm khiên” thể hiện vai trò của Nhà nước trong bảo vệ người dùng Internet và rộng hơn là lợi ích quốc gia, dân tộc trên không gian mạng trước những mối nguy đã và đang hiện hữu hàng ngày, hàng giờ./.

Xem thêm