Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết có nội dung sai sự thật nhằm mục đích bôi nhọ, hạ uy tín của cá nhân, tổ chức thậm chí có những bài viết truyền bá những tư tưởng sai trái, thù địch tạo dư luận trái chiều, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tư tưởng của người dân.
Trên địa bàn huyện Đại Từ đã ghi nhận một số trường hợp vì sự thiếu hiểu biết mà chia sẻ những thông tin không chính thống, có lời nói, phát ngôn trái với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Điển hình:
– Tháng 6/2018, qua công tác nắm tình hình trên mạng, Công an huyện Đại Từ phát hiện 01 tài khoản Facebook có hoạt động bình luận, chia sẻ nhiều tin, bài viết kèm theo hình ảnh có nội dung xấu, liên quan đến việc chia rẽ, kích động khối đại đoàn kết toàn dân tộc; ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của các đồng chí Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước… trong đó chủ yếu là các bài viết có nội dung phản đối việc Quốc hội chuẩn bị thông qua dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, đối tượng đã nhận ra hành vi của mình là sai trái, do sự thiếu hiểu biết của bản thân và cam kết không tái phạm.
– Trong vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ vào tháng 09/2018 làm 02 người chết. Trong khi cơ quan chức năng đang triển khai công tác khám nghiệm hiện trường thì đã có rất nhiều người dân phát trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội, việc cung cấp những hình ảnh về vụ việc trên mang tính chất phản cảm, thiếu sự tôn trọng đối người đã mất, tạo nên dư luận về vụ việc trong khi cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức.
Từ thực tế trên đặt ra vấn đề cần phải nhận diện: “Thông tin xấu, độc trên không gian mạng”. Một cách chung nhất, những “thông tin xấu, độc” được chia làm hai loại.
1.Phản ánh những vấn đề “nóng”, những vấn đề tiêu cực của xã hội, “phanh phui” những vụ việc gây bức xúc dư luận. Những thông tin này thường được sự quan tâm của đông đảo người dân, phần nào đó góp phần thúc đẩy một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thế nhưng cũng cần nhận diện “góc tối” của vấn đề, đó là “kinh doanh” thông tin. Bằng việc tìm kiếm, “săn lùng” các vấn đề tiêu cực, một số cá nhân, tổ chức lợi dụng vào thị hiếu, tính tò mò của một bộ phận người đọc để viết bài nhằm mục đích thu lợi nhiều hơn là đóng góp, xây dựng.
2. Thông tin bịa đặt, xuyên tạc nằm trong âm mưu, chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đây là những thông tin “độc” nhằm mục đích bôi nhọ, hạ uy tín của một cá nhân, tổ chức nào đó, trong nhiều trường hợp những thông tin “độc” được khéo léo lồng ghép, mập mờ “đánh lận con đen” nhằm tăng độ tin cậy cho người đọc. Những thông tin trên thực sự nguy hiểm bởi nó phản ánh sai thực trạng xã hội ở Việt Nam nhưng lại được lan truyền rộng trên internet khiến cho việc quản lý, phản bác, đính chính gặp rất nhiều khó khăn.
Không gian mạng là một vùng rộng lớn, không bị giới hạn về không gian, thời gian, không có “biên giới” giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc phát tán những thông tin xấu, độc trên không gian mạng có thể được thực hiện thông qua rất nhiều phương thức: (1) đăng tải các bài viết có nội dung xấu, sai trái, thù địch trên các trang web, blog, các trang mạng xã hội, (2) biên tập các video đăng tải trên youtube, (3) phát sóng trực tiếp (livestream) trên các trang mạng xã hội, (4) phát sóng FM tại vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số phục vụ tuyên truyền các nội dung đi ngược với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Chính sự đa dạng về cách thức truyền bá các nội dung xấu, sai trái, thù địch đã gây ra hệ lụy rất lớn:
– Một bộ phận đông đảo người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi trình độ dân trí còn chưa cao hiểu sai về các chủ trường, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngộ nhận về tình hình đất nước với nhiều bất ổn.
– Công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gặp rất nhiều khó khăn.
Thực tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đất nước ta đã đạt được rất nhiều thành tựu, nền kinh tế có sự tăng trưởng vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Thế nhưng những thành tựu, những thông tin tích cực chưa thật sự được thắng thế trên mặt trận thông tin truyền thông.
Trong thời gian tới, để đẩy lùi những thông tin xấu, độc, nhưng luận điệu sai trái, thù địch, mỗi cán bộ, mỗi người dân cần là một dư luận viên xã hội, một chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Tích cực nghiên cứu, tự nâng cao kiến thức xã hội, tạo cho mình “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc. Mặt khác cũng cần lên tiếng phản bác, đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái thù địch, những thông tin sai sự thật song song với đó là chia sẻ, tuyên truyền về nhưng điều tích cực xung quanh ta.
Nếu xã hội ta là một cơ thể thì những thông tin xấu, độc như một thứ bệnh. Nếu chúng ta không chữa trị, nếu chúng ta buông xuôi thì ắt thứ bệnh đó sẽ phát triển và hủy hoại cơ thể chúng ta. Vậy nên, cách duy nhất để xã hội tồn tại và phát triển đó là đấu tranh, không chỉ với thứ bệnh mang tên “thông tin xấu, độc” mà còn rất nhiều căn bệnh khác đang kìm hãm sự phát triển của xã hội, sự phồn vinh của đất nước./.